Trước đây người ta cho rằng “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì ngày nay trong nuôi trồng thủy sản con giống được đưa lên tầm quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, trong hoạt động nuôi tôm nước lợ, chất lượng con giống là yếu tố giữ vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của một vụ tôm. Xác định được tầm quan trọng của con giống trong lĩnh vực thủy sản, trong những năm gần đây, công tác quản lý giống thủy sản đã các cấp các ngành tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát, nghiên cứu để nâng cao chất lượng con giống phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố, công tác quản lý giống thủy sản dần đi vào nề nếp. Việc kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (gọi tắt là Giấy chứng nhận) được triển khai và duy trì, đặc biệt trên các đối tượng thủy sản bố mẹ, thủy sản nuôi chủ lực ở một số địa phương. Cụ thể, 100% số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ đã được kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận; trên 95% số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) ở hai tỉnh trọng điểm sản xuất giống (Ninh Thuận, Bình Thuận) đã được kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định về quản lý giống thủy sản còn nhiều bất cập, tồn tại. Mặc dù việc đăng ký, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đã triển khai thực hiện từ năm 2019 trên các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực và luôn được ưu tiên, quan tâm đặc biệt nhưng tỉ lệ cơ sở được kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận của cả nước hiện nay còn khá khiêm tốn (55,3% số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ; 4,12% số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra đăng ký, được kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận). Cùng với đó, việc sử dụng thủy sản bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng cho sinh sản, giống thủy sản lưu thông trên thị trường không có giấy kiểm dịch, sử dụng nhãn, bao bì giả…tuy đã giảm nhưng vẫn còn diễn ra trong thực tế.
Để nâng cao chất lượng, đảm bảo cung ứng đủ giống thủy sản phục vụ nuôi trồng thủy sản cho những tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, Cục Thuỷ sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng, chuyên môn khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, căn cứ Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, Thông tư 14/2021/TT-BNNPTNT ngày 01/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giống thủy sản, tổ chức rà soát, phân loại, thống kê, báo cáo kết quả thực hiện các quy định của pháp luật trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản tại địa phương.
Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thực hiện các quy định về quản lý giống thủy sản được quy định tại Điều 23, 24 Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn.
Thứ ba, tổ chức kiểm tra, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương ưỡng giống thủy sản đối với các cơ sở đăng ký lần đầu và thực hiện kiểm tra duy trì theo quy định.
Thứ tư, tiến hành cập nhật dữ liệu về quản lý giống thủy sản trên phần mềm “Cơ sở dữ liệu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản” tại địa chỉ truy cập http://csdl.tongcucthuysan.gov.vn/ theo quy định.
Thứ năm, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong sản xuất, ương dưỡng, lưu thông, sử dụng giống thủy sản (đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định; thời hạn sử dụng giống bố mẹ; kiểm dịch theo quy định; nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng giốngbố mẹ); tập trung kiểm soát chất lượng tôm giống và việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với tôm giống lưu thông trên thị trường, nhất là tại các điểm mua bán giống tập trung, chợ tôm giống tự phát; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) và công khai kết quả xử lý theo quy định.
Thứ sáu, tiếp tục quan tâm triển khai tốt những nội dung được nêu tại văn bản số 59/TCTS-NTTS ngày 10/01/2023 của Tổng cục Thủy sản về chuẩn bị con giống, vật tư đầu vào, điều kiện kỹ thuật để đảm bảo sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2023.
Cùng với đó, Cục Thuỷ sản cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, thực hiện và định kỳ hàng tháng (trước 25 hàng tháng), quý, năm hoặc đột xuất gửi báo cáo về Cục Thủy sản để kịp thời xử lý và phối hợp chỉ đạo.
Hải Dương